Trước nhiều ý kiến dư luận cho rằng, lũ lụt ở miền Trung những ngày qua có một phần nguyên nhân là do phá rừng, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) trong bài trả lời báo chí cho biết: Nói lũ lụt ở miền Trung do phá rừng là không đúng.
Trong bài trả lời báo chí, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) có giải thích:
” Chúng ta phải nhìn nhận một thực tế, thời gian qua, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, mưa nhiều hơn với cường độ mạnh, hạn hán nhiều hơn. Biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan.
Còn biến đổi khí hậu có thể do tác động của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và nhiều nguyên nhân khác. Chính biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan, mưa lũ ở miền Trung là một ví dụ điển hình.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, phát triển bền vững rừng, phát triển ngành lâm nghiệp theo tôi là con đường ngắn nhất chống lại và giảm thiểu những tác động do biến đổi khí hậu gây ra. Bởi vì rừng hấp thụ các-bon rất tốt, giảm phát thải khí nhà kính.
Thực tế, mấy vụ sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng ở Quảng Trị đều là những nơi phát triển rừng rất tốt, độ che phủ lớn. Tuy nhiên do mưa quá nhiều, địa hình dốc lớn nên mới gây vết sạt trượt.”
Ông Trị khẳng định, lũ lụt ở miền Trung do biến đổi khí hậu, không phải do phá rừng.
Trước quan điểm trên, PGS.TS Bảo Huy, trưởng bộ môn quản lý tài nguyên rừng và môi trường thuộc khoa nông – lâm nghiệp Đại học Tây nguyên cho biết, để khẳng định nguyên nhân lũ lụt tại miền Trung những ngày vừa qua không thể chỉ dựa trên số liệu thống kê về diện tích rừng bị mất hay khẳng định ngay do biến đổi khí hậu mà còn tùy thuộc vào lưu vực của nguồn nước.
Do lưu vực sẽ quyết định đến khả năng tích tụ nguồn nước của từng khu vực cụ thể nên tùy từng lưu vực sẽ xây dựng hệ thống rừng phòng hộ ra sao, với tỉ lệ rừng tự nhiên là bao nhiêu, rừng trồng là bao nhiêu, với các hệ thống biện pháp kỹ thuật và cơ cấu cây trồng nào đáp ứng được chức năng cho loại rừng phòng hộ trong các vùng sinh thái đặc thù, có như vậy rừng mới phát huy được vai trò điều hành nguồn nước, hạn chế xói lở, rửa trôi khi gặp mưa lớn kéo dài. Trong trường hợp với những lưu vực có lượng nước lớn mà tỉ lệ rừng tự nhiên bị mất, độ che phủ không lớn, khi đó, để mất rừng chính là một nguyên nhân gây sạt lở và hậu quả để mất rừng là vô cùng nghiêm trọng.
Liên quan tới việc phá rừng làm thủy điện, vị PGS cho hay, nếu so sánh về mặt con số (thống kê của Tổng cụ Lâm nghiệp: 8 tháng đầu năm 2019, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước đạt 135.900 ha. Diện tích rừng bị thiệt hại là 2.217ha. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt trên 9,9 triệu m3, tăng 4,3% so với 8 tháng của năm 2018) cũng không phải là con số quá nghiêm trọng.
Tuy nhiên, theo nhận định của Viện Điều tra và quy hoạch rừng, lý do chính khiến diện tích rừng tự nhiên bị giảm sút là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thác quá mức, đặc biệt là tại 2 khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Một thực tế đang diễn ra là diện tích rừng phòng hộ đang ngày càng suy giảm; thay vào đó là gia tăng diện tích rừng sản xuất, đây chính là vấn đề.
“Tôi muốn nhấn mạnh câu chuyện phá rừng tự nhiên để trồng rừng phòng hộ trên đầu thủy điện chắc chắn sẽ làm thay đổi lưu vực phòng hộ, làm mất khả năng trữ nước, chống xói mòn của rừng tự nhiên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khả năng phòng hộ, chống xói lở của rừng trồng trên các hồ đập thủy điện cũng không còn tác dụng nhiều.
Khi gặp trời mưa nhiều, lượng nước lớn, rừng mất khả năng điều tiết dòng chảy thì nguy cơ sạt lở, lũ lụt là rất lớn. Như vậy, trong trường hợp này, nói rằng lũ lụt không liên quan tới phá rừng làm thủy điện là chưa chính xác”, PGS Bảo Huy cho hay.