Gần đây rất vụ việc cướp tài sản diễn ra với đặc điểm chung là nạn nhân bị thôi miên, tự động đưa tiền bạc, điện thoại thậm chí cả thông tin ngân hàng cho kẻ trộm một cách tự nguyện mà không còn nhớ gì sau đó.
Sự thật “thôi miên” không thể điều khiển nạn nhân tự động đưa hết tài sản cho người khác trong tình trạng vô thức mà là do kẻ cướp đã sử dụng chất ma tuý “mùi của quỷ”
Dưới đây, chúng tôi xin trích lại đoạn trao đổi của PV với thạc sĩ thôi miên Nguyễn Mạnh Quân – Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu và ứng dụng khoa học thôi miên VN, thành viên của Tổ chức thôi miên quốc tế… xung quanh thủ đoạn cướp nguy hiểm này.
Thưa ông, thời gian qua có nhiều nạn nhân trình báo cơ quan công an rằng đã bị thôi miên đến mức tự tay đưa tất cả tài sản cho người khác. Tại sao nhà thôi miên phải đi lừa để chiếm tài sản, thưa ông?
Thôi miên tuyệt đối không lừa được ai. Thôi miên thực chất là dẫn dụ người được thôi miên vào trạng thái thư giãn bằng các ám thị tích cực (lời nói tốt đẹp). Cơ chế của thôi miên bắt buộc phải có sự kết hợp và hợp tác chặt chẽ của nhà thôi miên với người được thôi miên. Không thể có chuyện đưa ai đó vào trạng thái thôi miên nếu người ta không hợp tác.
Ngay cả trong trạng thái thôi miên, con người tỉnh táo, thông minh hơn nhiều để lắng nghe, tiếp nhận ám thị của nhà thôi miên.
Tại sao nhà thôi miên phải đi lừa để chiếm tài sản? Nếu có thể thôi miên người khác, cứ ngồi nhà mà thôi miên người ta mang tiền đến, việc gì phải đi lừa? Nói vui là vậy, nhưng nếu có khả năng và kỹ thuật thôi miên thật, người ta có thể thu nhập cao thông qua nhiều dịch vụ. Như vậy vừa có nhiều tiền, vừa được trọng vọng.
Tất cả nạn nhân mất tài sản nói mình đã bị thôi miên đến mức tự tay đưa tất cả tài sản cho người khác trong tình trạng vô thức. Ông đã loại trừ khả năng bị thôi miên, vậy hiện tượng này giải thích thế nào?
Tôi bắt đầu câu chuyện câu chuyện từ nơi đầu tiên trên thế giới giải mã hiện tượng này – nước Đức. Năm 2003, ở Đức liên tiếp xảy ra sự việc một cô gái mất tích sau vài ngày tự quay về nhưng không nhớ gì. Cơ quan điều tra cũng tìm đến chúng tôi nhờ sự giúp đỡ. Chúng tôi đã chứng minh như trên và loại trừ khả năng bị thôi miên.
Thậm chí, các kỹ thuật giỏi đến đâu cũng không thể lừa con người kiểu này, chúng tôi gợi ý, khả năng chất kích thích.
Sau đó cơ quan chuyển hướng điều tra, trong khoảng thời gian từ 4 tháng sau đã giải mã được hiện tượng này. Nó xuất phát từ một loại chất có tên gọi trong giới giang hồ châu Âu là “Geruch des Teufel”, dịch sang tiếng Việt nôm na là “mùi của quỷ”.
Có lần ông đã từng nhắc đến “mùi của quỷ” như một loại ma túy, chuyên nhằm phục vụ lạm dụng tình dục các cô gái?
Loại ma túy này không có mùi vị, tồn tại dưới dạng bột để pha vào nước hoặc dạng nước toả khí gần như cồn ête. Nếu như uống hoặc hít phải chất ma túy này, bộ não của người bị hại sẽ bị xoá hết mọi thông tin trước đó 10 phút cho đến khi chất này hết tác dụng. Bộ não của con người ngừng chủ động hoạt động, hoàn toàn nghe theo sự sai khiến của người khác.
Trong thời điểm này, sự kích thích tình dục cũng lên rất cao, vì thế ban đầu nó được giới giang hồ dùng để dụ các cô gái đẹp từ quán bar, vũ trường… đến phòng riêng để “quan hệ” tập thể. Nếu trạng thái thông thường, không có cô gái đồng ý cho nhiều người đàn ông cùng một lúc quan hệ với mình.
Vậy kịch bản tôi phạm nhờ nghe điện thoại rồi lấy hết tài sản giải thích thế nào thưa ông?
Khi người lạ nhờ mình nghe điện thoại, họ để sẵn một túi “mùi của quỷ” dạng nước (nhỏ như ngón tay út) phía mặt sau điện thoại. Nếu mình đồng ý nghe giúp, lập tức họ bóp vỡ túi nước, nước dính vào điện thoại và tỏa khí. Người ngửi được “mùi của quỷ” làm cho bộ não không chủ động mà làm theo sự tác động bên ngoài.
Trong trường hợp này, người bị hại không hề nhớ được mặt kẻ đã hại mình; điều gì đã từng xảy ra với mình; vì sao mất của…
Mỗi túi nước tỏa khí như vậy chỉ có thể tác dụng trong 10 phút, vừa đủ để lấy tài sản. Nếu kẻ lừa đảo muốn lợi dụng tình dục, chúng tiếp tục cho nạn nhân dùng thêm liều thứ hai“dạng bột pha nước”. Lúc này không cần phải lừa để người bị hại uống nước nữa, chúng sai khiến, và người bị hại làm theo.
Thưa ông, trạng thái ngửi phải chất “mùi của quỷ” chính là trạng thái thôi miên?
Không! Đó là trạng thái hôn mê giả. Nói điều này để phân biệt với hôn mê thật – làm con người bất tỉnh mê man. Như tôi đã nói trên, trạng thái thôi miên là lúc con người làm chủ bản thân cao nhất.
Vậy làm sao để phòng tránh khỏi sự lừa đảo này?
Mọi người không nên nghe điện thoại hộ, không đọc thư, địa chỉ giúp người lạ… Trong trường hợp đặc biệt bắt buộc phải nghe, để thư, điện thoại…xuống sau đó đợi khoảng 3 phút rồi tự mình nhấc lên nghe. Bởi chất “mùi của quỷ” chỉ tỏa khí trong 3 phút. Nhưng lưu ý tự mình cầm lên nghe, bởi họ cầm lên đưa lại cho mình thì sẽ có túi nước khác được bóp vỡ dính vào điện thoại.
Tôi khẳng định lại rằng, thôi miên không ai lừa được ai, 90% người nói rằng bị thôi miên lừa, chính họ mới là người lừa. Vì lý do nào đó, làm mất tiền của… nhưng không thể nói ra nên dàn dựng sự việc “khó giải thích” như thôi miên, không nhớ gì cho êm ấm gia đình…
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hiện nay có một loại hóa chất thường được gọi là “hơi thở của quỷ”, là một loại ma túy có tên scopolamine. Loại thuốc này được bào chế từ hạt của cây Borrachero, một loại cùng họ với cây hoa loa kèn, mọc hoang ở nhiều vùng tại Colombia. Scopolamine làm tim đập nhanh hơn và gây ra trạng thái kích động, ảo giác.
Theo báo chí quốc tế, Scopolamine, chất có trong loài hoa này được nhóm tội phạm sử dụng như một loại ma dược dùng để phục vụ mục đích riêng tư. Nó được xem là độc dược “không màu, không mùi, không vị”, dễ hòa tan nên thường được trộn vào thức ăn để thôi miên người khác, buộc một ai đó làm theo sự sai khiến của mình. Chỉ cần hấp thụ một lượng nhỏ Scopolamine có thể gây ngộ độc. Sản phẩm có khả năng tạo ảo giác hay “giấc mơ kỳ lạ” với những người hít phải chúng.
Qua quá trình điều tra nhiều vụ án liên quan, cơ quan Công an xác định thủ đoạn của các hung thủ là lợi dụng những nơi có rất đông người hoặc nơi chỉ có một mình nạn nhân, các đối tượng lừa đảo sử dụng các loại thuốc và hóa chất gây mê để đánh lừa người khác, nhằm cướp tài sản của họ. Ở nơi có đông người, các đối tượng này lợi dụng sự lộn xộn, không ai để ý để thừa cơ hội ra tay. Các đối tượng thường tụ tập thành nhóm để hỗ trợ lẫn nhau khi gây án.
Đặc biệt, thông tin về việc các loại “ma dược” này được bán tràn lan càng khiến cho những nguy cơ trên trở nên hiện hữu. Việc buôn bán vẫn diễn ra công khai như tiếp tay cho các đối tượng sử dụng loại thuốc lạ nhằm chiếm đoạt tài sản càng khiến người dân hoang mang hơn.
Theo Dương Tùng