Cuộc chiến trong nội bộ doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam đã tới hồi kết với sự ra đi của đại gia Việt sau 16 năm gây dựng đế chế số 1 Việt Nam. Nhóm cổ đông ngoại chiếm các vị trí quan trọng.
CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) vừa công bố thông tin ông Nguyễn Bá Dương xin từ nhiệm chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị Coteccons từ 2/10, đồng thời bổ nhiệm ông Bolat Duisenov vào vị trí này từ 5/10.
Trước đó, ông Bolat Duisenov được bổ nhiệm làm trưởng tiêu ban chiến lược của doanh nghiệp.
Như vậy, cuộc chiến giữa nhóm cổ đông ngoại-nội tại Coteccons kéo dài nhiều năm qua có thể đã chấm dứt với sự ra đi của ông Nguyễn Bá Dương, người sáng lập, điều hành Coteccons từ những ngày đầu năm 2004, từ chức vụ Tổng Giám đốc và sau đó là Chủ tịch HĐQT Coteccons. Trong hơn 17 năm lãnh đạo, ông Dương đã cùng đội ngũ của mình đạt được nhiều dấu mốc quan trọng.
Ông Dương gửi lời cảm ơn đến tất cả cổ đông, thành viên HĐQT, người lao động qua các thời kỳ và chúc Coteccons phát triển ổn định và thành công trong thời gian tới.
Trước đó, hồi đầu tháng 8, Coteccons cũng đã bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới Võ Thanh Liêm, thay thế ông Nguyễn Sỹ Công.
Vài năm gần đây, những mâu thuẫn kéo dài giữa nhóm cổ đông ngoại và nội đã khiến doanh nghiệp bốc hơi khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Cuộc chiến lên tới đỉnh điểm khi mà cả những cổ đông kín tiếng cũng đã vào cuộc.
Hồi tháng 6, căng thẳng giữa ban lãnh đạo Coteccons và nhóm cổ đông ngoại Kusto bước vào giai đoạn căng thẳng chưa từng có khi mà có thêm 1 cổ đông ngoại lớn khác chính thức đặt vấn đề loại bỏ những lãnh đạo của doanh nghiệp này.
The 8th Pte Ltd (The8th), một công ty có trụ sở tại Singapore và là một trong những cổ đông lớn khác của Coteccons (nắm giữ 10,42% cổ phần) đã gửi thư tới HĐQT của Coteccons để yêu cầu đưa thêm một số vấn đề vào chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên 2020.
Theo đó, The8th yêu cầu bãi nhiệm tư cách thành viên HĐQT Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương (khi đó là chủ tịch và đại diện pháp luật của CTD) và ông Nguyễn Sỹ Công (là thành viên HĐQT và TGĐ của CTD).
Trước đó, nhóm cổ đông ngoại Kusto cũng đã yêu cầu các thành viên điều hành chủ chốt bao gồm ông Nguyễn Bá Dương và ông Nguyễn Sỹ Công từ chức khỏi tất cả các vị trí trong Coteccons.
Mâu thuẫn tại Coteccons đã diễn ra trong nhiều năm qua và đây được xem là lý do khiến giá cổ phiếu CTD giảm mạnh, từ mức gần 230.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) xuống còn 50.000-70.000 đồng/cp như hiện tại.
Nhóm cổ đông ngoại cho rằng ban lãnh đạo doanh nghiệp đã gây ra xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, giao dịch với các bên liên quan, sử dụng tài nguyên và uy tín của Coteccons cho lợi ích của các công ty khác trong Cotecon Group (cụ thể là đối thủ cạnh tranh Ricons) mà các thành viên có liên quan của HĐQT và Ban giám đốc có các lợi ích liên quan…
Ở chiều ngược lại, ban lãnh đạo Coteccons cho rằng, nhóm cổ đông ngoại có mục đích thâu tóm doanh nghiệp, có những nhận định mang tính chất thù địch, bôi nhọ danh dự ban lãnh đạo CTD,… Coteccons vẫn hoạt động theo pháp luật và được kiểm toán bởi Big 4.
Sau khi ông Dương từ chức, đại diện Kusto ông Bolat Duisenov cho rằng thời gian vừa qua là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử Coteccons nhưng là giai đoạn chuyển mình cần thiết để đưa công ty vào quỹ đạo phát triển mới.
Trên thị trường chứng khoán, mâu thuẫn giữa các cổ đông nội-ngoại khá nhiều. Không ít trường hợp ngoại bành trướng tại thị trường Việt Nam như Metro (Đức), Big C (Pháp rồi chuyển cho Thái), Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật)… Nhưng cũng có nhiều trường hợp nội thắng ngoại như: Vinmart của Vingroup (rồi chuyển sang cho Masan), Bibica (BBC) với cú thắng ngược của đại gia Việt PAN trước ông lớn ngoại Lotte đến từ Hàn Quốc.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 6/10, chỉ số VN-Index tăng nhẹ và dần lên ngưỡng 920 điểm.
Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.
Theo MBS, mạch tăng điểm của thị trường tiếp tục lan tỏa sau chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp và là môtj trong các thị trường có mức tăng tốt nhất thế giới hơn 2 tháng qua. Về kỹ thuật, đà tăng có phần chậm lại ở 4/5 phiên gần đây, chỉ số VnIndex vẫn đang cố gắng vượt mức cao nhất 5 phiên, do vậy nhịp rung lắc có thể ở khu vực kháng cự 915-925 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/10, VN-Index tăng 4,77 điểm lên 914,68 điểm; HNX-Index tăng 2,28 điểm lên 137,19 điểm. Upcom-Index tăng 0,46 điểm lên 62,81 điểm. Thanh khoản đạt 8,5 nghìn tỷ đồng.