“Nhị đào sát tam sĩ” (hai trái đào giết chết ba dũng sĩ) là câu thành ngữ nổi tiếng của Trung Quốc, ý nghĩa tương tự như “Mượn dao giết người”. Câu thành ngữ này xuất phát từ một điển tích thời Xuân Thu-Chiến quốc.
Thời Xuân Thu, nước Tề có ba dũng sĩ là Điền Khai Cương, Cổ Dã Tử và Công Tôn Tiếp dũng cảm thiện chiến, rất được nhà vua nước Tề quý trọng. Lâu ngày, ba dũng sĩ kiêu căng vì công lao của mình, hết sức ngang ngược, không coi ai ra gì. Án Anh tự Bình Trọng, làm đến chức tướng quốc, là một người tài nhưng hơi hẹp lượng, khuyên Tề Cảnh Công là vua nước Tề trừ đi.
Trong một buổi yến tiệc, Án Anh đưa ra hai trái đào và nói với ba người họ dựa theo công lớn nhỏ mà phân chia, ai có công lớn người đó có thể ăn đào. Công Tôn Tiếp nói: “Ta là người chỉ một quyền đánh chết lợn rừng, hổ, xứng đáng ăn đào”. Điền Khai Cương nói: “Ta đã từng dùng phục binh đuổi địch, công lao đó cũng xứng đáng ăn đào”. Cổ Dã Tử nói: “Ta theo vua đến sông Hoàng Hà, có con rùa lớn xuất hiện bắt mất ngựa của vua, ta giết rùa, một tay kéo đuôi ngựa mang về cho vua, con rùa đó chính là Hà Bá thần sông Hoàng Hà”.
Hai người Công Tôn Tiếp, Điền Khai Cương thấy công mình không bằng Cổ Dã Tử mà lại đòi ăn đào nên tự thẹn với lòng tự vẫn mà chết. Cổ Dã Tử thấy hai người kia đã chết mà mình vẫn sống thì là bất nhân, sỉ nhục người ta đề lấy danh tiếng là bất nghĩa, nên cũng tự vẫn chết theo.