Bỏng nước sôi là tai nạn rất dễ gặp trong sinh hoạt. Việc không sơ cứu vết bỏng kịp thời và đúng cách sẽ làm cho vết bỏng sẽ lâu lành, dễ bị nhiễm trùng và để lại sẹo.
Các việc cần làm ngay sau khi bị bỏng:
- Khi bị bỏng nước sôi, nhanh chóng ngâm vùng da bị bỏng vào nước sạch & lạnh (không dưới 5 độ C), hoặc rửa dưới vòi nước lạnh trong thời gian từ 15 – 20 phút. Việc này giúp giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng (do nhiệt tích tụ trên vết bỏng vẫn còn). Tránh ngâm lâu hơn thời gian trên vì có thể làm tổn thương lớp biểu bì bên ngoài.
- Sau khi ngâm bằng nước lạnh, rửa sạch vết bỏng với nước muối sinh lý 0.9%, lau khô, bôi thuốc mỡ chống nhiễm khuẩn rồi băng nhẹ bằng gạc vô trùng.
-Lưu ý: tuyệt đối không ngâm vết bỏng vào nước đá, không chườm đá lạnh vì sẽ khiến thân nhiệt hạ, gây ra hiện tượng co mạch máu, co cơ, khiến tình trạng bỏng trở nên trầm trọng hơn. Không nên bôi bất cứ thứ gì vào vết bỏng như nha đam, lòng đỏ trứng gà, kem đánh răng … điều này sẽ khiến vết bỏng trở nên trầm trọng hơn, dễ bị viêm nhiễm nặng hơn.
Xử trí vết bỏng
Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, thì sau một thời gian chăm sóc tại nhà da vùng bỏng có thể tự liền lại nhưng nếu vết bỏng ở diện tích rộng, nặng hơn thì sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
Vùng da sau khi bỏng có thể xuất hiện tình trạng phồng, rộp. Bạn cần hạn chế cứ động vùng da này để tránh làm vỡ vết thương, gây nhiễm trùng. Bên cạnh đó, không để ánh nắng trực tiếp chiếu lên vùng da bỏng để tránh thâm sau này.
Khi vết bỏng bắt đầu lành và lên da non, bạn hãy thoa những loại gel trị sẹo có chứa thành phần giúp kích thích sản sinh collagen và elastin, đồng thời giữ ẩm, kháng khuẩn và làm mềm da.